Trang chủ Tin tức
Xem bản tin Cập nhật lúc 11h56 ngày 24-05-2015

Khai thác than hầm lò bằng máy: Thành công và những tồn tại cần khắc phục

Khai thác than hầm lò bằng máy khấu kết hợp giá thủy lực di động hoặc dàn chống (gọi tắt là CGH) được áp dụng thử nghiệm từ lâu nhưng đến nay chưa rộng rãi và tạo dư luận nhiều chiều trong công nhân mỏ, trong đó có ý kiến tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của công nghệ CGH lò chợ. Tập đoàn đang xây dựng đề án cơ giới hóa hầm lò (gọi tắt) với chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu khai thác, đào lò, vận tải trong hầm lò. Đây là chủ trương đúng, phù hợp với tình hình thực tế và Quy hoạch phát triển của ngành Than đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin đầy đủ về thực trạng áp dụng CGH lò chợ, tạo tiếng nói đồng thuận trong CNCB về chủ trương lớn của Tập đoàn, Tạp chí Than - Khoáng sản lần lượt giới thiệu ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, những CNCB trực tiếp thực hiện ứng dụng công nghệ mới hiện đại này. Trước hết, Tạp chí TKSVN nêu tóm lược những vấn đề nổi bật mà nhóm phóng viên ghi nhận từ thực tế và qua các báo cáo của các đơn vị về áp dụng CGH lò chợ.
Lò chợ CGH ở Vàng Danh chưa mang lại  hiệu quả như mong muốn.

Lò chợ CGH ở Vàng Danh chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Kết quả bước đầu
 
Từ năm 2002, Mỏ than Khe Chàm đã sử dụng máy khấu com-bai kết hợp giá thủy lực di động và năm 2005 đưa vào thử nghiệm lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng máy khấu com-bai kết hợp dàn chống tự hành. Năm 2006, Công ty than Dương Huy cũng áp dụng máy khấu kết hợp dàn chống, nhưng chỉ thời gian ngắn, xét thấy không phù hợp, phải dừng lại. Năm 2007, Công ty than Vàng Danh áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác bằng máy com-bai khấu và dàn chống tự hành Vinaalta. Năm 2010, công nghệ này được áp dụng tại Công ty than Nam Mẫu.
 
Trong 4 đơn vị áp dụng thử nghiệm khai thác bằng máy (CGH), Than Khe Chàm đạt hiệu quả cao nhất; Than Nam Mẫu tuy chưa đạt công suất thiết kế nhưng sản lượng đang nhích dần; Than Vàng Danh chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nếu không muốn nói là thất bại; Than Dương Huy đưa vào thử nghiệm, nhưng gặp vỉa không ổn định, nơi thì gặp đá, nơi gặp nước, lầy thụt, buộc phải đưa máy ra. Sau đó, Công ty đã bán đầu máy khấu cho Than Khe Chàm. Đầu máy khấu này hiện hoạt động rất tốt (xem bài “Về Khe Chàm xem chuyển máy”- Tạp chí Vinacomin, số ra ngày 25/8/2013).
 
Ở Khe Chàm và Nam Mẫu - hai nơi mà lò chợ CGH hoạt động khá hiệu quả, chúng tôi nhận thấy, tính ưu việt nổi trội khi khai thác bằng máy kết hợp dàn chống là năng suất cao. Nếu so với khai thác bằng khoan nổ mìn sử dụng giá thủy lực di động và giá khung di động, công suất tăng từ 1,5 đến 1,8 lần. Thậm chí, ở Khe Chàm, lúc cao điểm, năng suất cao gần 4 lần so với lò chợ giá khung; lò chợ CGH Khe Chàm nhiều năm đạt năng suất kỷ lục cấp Tập đoàn.
 
Mặt khác, việc áp dụng cơ giới hóa trong lò chợ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, ít nặng nhọc hơn do các khâu chính trong quy trình công nghệ được thực hiện bằng thiết bị cơ giới hóa, và đảm bảo an toàn hơn các công nghệ khác. Tính ưu việt nổi trội nữa là, số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ khi áp dụng CGH giảm từ 1,5 - 2 lần, nhưng năng suất lao động tăng hơn gấp đôi; các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cao hơn hẳn so với lò chợ thủ công. 
 
Những hạn chế
 
Trong quá trình áp dụng cơ giới hóa, vẫn còn một số tồn tại vướng mắc dẫn đến chưa đạt được sản lượng theo thiết kế. Tại Than Vàng Danh và Than Nam Mẫu, thời gian khai thác chiếm chưa đầy một nửa quỹ thời gian sản xuất, còn lại là các sự cố gây ách tắc sản xuất. Nguyên nhân ảnh hưởng của công tác áp dụng cơ giới hóa do điều kiện địa chất phức tạp, chiều dài khai thác không lớn, ảnh hưởng đến công suất khai thác cũng như hiệu quả đào lò. Ðặc biệt, ảnh hưởng của nước chảy vào lò chợ với lưu lượng lớn gây đình trệ sản xuất. 
 
Các thiết bị cơ giới hóa chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài cho nên chưa chủ động được về thiết bị. Vật tư, thiết bị chuyên dụng sử dụng trong lò chợ cơ khí trong nước chưa chế tạo được. Mặt khác, trình độ tiếp cận kỹ thuật cao của cán bộ, công nhân còn nhiều hạn chế, dẫn đến công suất và năng suất lao động trong giai đoạn đầu áp dụng thử nghiệm chưa cao. 
 
Nhất thiết phải tiếp tục đưa máy vào lò!
 
Theo quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, sản lượng than thương phẩm sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 65 triệu tấn (năm 2020) và 75 triệu tấn (năm 2030), trong đó, sản lượng hầm lò chiếm tỷ lệ lớn. Bởi vậy, Vinacomin có chủ trương phát triển ngành than bền vững theo hướng đổi mới công nghệ, triển khai áp dụng cơ giới hóa các khâu khấu than, chống giữ lò chợ, vận tải và đào lò tại những khu vực điều kiện địa chất cho phép, trong đó cơ giới hóa khai thác và đào chống lò hoàn toàn đúng đắn. Không tiếp tục đưa máy vào lò thì không thể đẩy năng suất lên cao.
 
Mặt khác, tình hình tuyển dụng công nhân hầm lò ngày càng khó khăn, cần phải đẩy mạnh CGH hầm lò để hạn chế tăng số lượng công nhân hầm lò nhưng vẫn phải đáp ứng việc tăng sản lượng. Theo tính toán, nếu áp dụng khoan nổ mìn thủ công, với công suất khai thác hiện nay, vào năm 2015 phải tăng từ 127 lò chợ lên 226 lò chợ, số lao động tăng 1,78 lần (hơn 32 nghìn công nhân) và năm 2025 tăng lên 364 lò chợ, số lao động tăng 2,86 lần (50.400 công nhân).
 
Tuy nhiên, muốn tiếp tục đưa máy vào lò, các đơn vị cần thăm dò bổ sung, đánh giá chính xác trữ lượng than có khả năng áp dụng CGH; nâng cao trình độ quản lý, vận hành, sửa chữa thiết bị cho CNCB v.v. Đồng thời, ngành Cơ khí cũng phải vào cuộc để nội địa hóa một số chi tiết của thiết bị và gia công phụ tùng kịp thời phục vụ cho sản xuất...
 

TÁC GIẢ BÀI VIẾT: CAO MINH

Về trang chủ Liên hệ quảng cáo Đường dây nóng: 0966 252 565 (Zalo/Whatsapp)